Trong thời điểm nắng mưa thất thường, việc phát triển của các loại sâu bệnh hại lúa tăng mạnh. Để nhận biết, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại lúa sẽ đảm bảo cho lúa phát triển tốt, hạn chế hư hại và ảnh hưởng năng suất cây trồng. Mời bà con cùng DigiDrone tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau để có một vụ mùa năng suất và bội thu.
1. Một số loại sâu hại lúa chính
1.1 Sâu cuốn lá nhỏ
Sâu cuốn lá nhỏ có tên khoa học là Cnaphalocrosis medinalis, thuộc Họ Pyralidae, Bộ Lepidoptera. Sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên hầu hết các trà lúa và thường 4-5 năm lại phát sinh thành dịch một lần gây thiệt hại rất lớn cho mùa màng.
Sâu non ăn biểu bì mặt trên và diệp lục của lá dọc theo gân lá tạo thành những vệt trắng dài, các vệt này có thể nối liền với nhau thành từng mảng làm giảm diện tích quang hợp và sau đó cuốn lá lúa lại làm tổ và hóa nhộng trong tổ. Sâu cuốn lá làm hỏng toàn bộ lá Lúa nên cây không sinh trưởng phát triển được và tùy theo mật độ, có thể làm giảm năng suất hoặc mất trắng.
Ngài trưởng thành hoạt động đẻ trứng về đêm, ban ngày ẩn nấp, có xu tính mạnh với ánh sáng, con cái mạnh hơn con đực. Ngài thường tìm những ruộng xanh tốt để đẻ trứng, mỗi con cái có thể đẻ trên 100 quả trứng, rải rác trên lá lúa.
Sâu non có 5 tuổi: Tuổi 1 đã rất linh hoạt có thể bò khắp trên lá, chui vào lá nõn, mặt trong bẹ lá hoặc bao lá cũ; tuổi 2, 3 trở đi nhả tơ để khâu 2 mép lá cuốn thành tổ nằm trong đó gây hại. Sâu có khả năng di chuyển ra khỏi bao cũ để phá hại lá mới, mỗi con sâu non có thể phá hại từ 5 - 9 lá, thời gian di chuyển thường vào buổi chiều (từ 6 giờ - 9 giờ tối), ngày trời mưa hoặc râm mát thì có thể di chuyển bất cứ lúc nào trong ngày. Sâu non tuổi 5 đẫy sức chuyển màu vàng hồng chui ra khỏi bao bò xuống gốc lúa, bẹ lá dệt kén mỏng hoá nhộng hoặc hoá nhộng ngay trong bao cũ.
Biện Pháp phòng trừ:
Làm sạch cỏ dại quanh bờ ruộng, bón phân cân đối, hợp lý, đặc biệt bón phân đạm vừa phải, không bón lai rai. Quan trọng nhất phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời sâu bệnh hại lúa. Phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”, nồng độ và liều lượng phun theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Sau khi phun trừ nếu gặp trời mưa phải tiến hành phun lại. Điều bà con rất cần lưu ý là phải phun khi sâu non mới nở (tuổi 1-2) mới có hiệu quả cao.
Sâu cuốn lá nhỏ
1.2 Sâu đục thân hại lúa
Sâu đục thân hai chấm hại lúa là loại được phát hiện nhiều nhất với tỉ lệ lên đến 95 – 98%.
Scirpophaga incertulas là tên khoa học của loài sâu đục thân bướm hai chấm hại lúa. Đây là loài sâu hại ưa thích môi trường ấm nóng có độ ẩm không khí cao, thế nên các đồng lúa ở miền Nam nước ta (và một số tỉnh miền Trung) thường dễ bị sâu đục thân hại lúa tấn công hơn so với miền Bắc.
Điểm đáng nói là sâu đục thân bướm hai chấm có khả năng gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của lúa kể cả giai đoạn mạ. Thế nên bà con cần nắm rõ các đặc tính của loài sâu này để bảo vệ đồng lúa và vụ mùa tốt nhất.
Sâu đục thân bướm hai chấm chiếm khoảng 95 – 98%.
Sâu đục thân lúa bướm 2 chấm thường có vòng đời giao động từ 43 – 66 ngày. Tuỳ vào nhiệt độ, môi trường mà mỗi giai đoạn sẽ có thời gian phát triển riêng:
Sau khi trải qua mùa Đông sâu non sẽ hoá nhộng vào mùa Xuân.
- Trước khi hóa nhộng, sâu con sẽ đục sẵn các lỗ ở trên thân cây, chỉ giữ lại một lớp biểu bì rất mỏng. Việc này giúp cho sau khi vũ hoá, chúng dễ dàng đục chui ra hơn. Thông thường, quá trình nhộng hóa sẽ diễn ra trong thân cây lúa, ở phần gốc cánh mắt đất từ 1 – 2cm.
- Với nhiệt độ từ 23 – 30°C và độ ẩm trên 90% - Đây là môi trường lý tưởng nhất để sâu đục thân phát triển.
- Thời kỳ đẻ nhánh rộ đặc biệt ở giai đoạn làm đòng - trổ là thời gian xung yếu và dễ bị sâu đục thân tấn công.
- Trong một năm sâu đục thân bướm 2 chấm hại lúa sẽ có tổng cộng 7 lứa phát triển và gây hại, trong đó các lứa 2,3,5,6 là những lứa mà bà con cần quan tâm vì đây là thời gian đặc biệt quan trọng đối với sản xuất:
- Lứa thứ 2: Đây là lứa cuối của vụ Chiêm Xuân.
- Lứa thứ 3: Đây là lứa đầu tiên trong vụ Mùa. Sâu đục thân bướm 2 chấm hại lúa sẽ tập trung phá hại trên lúa mạ đầu mùa.
- Lứa thứ 5: Đây là lứa gây hại nghiêm trọng đối với lúa Mùa cấy sớm đang giai đoạn làm đòng và trổ bông.
- Lứa thứ 6: Giai đoạn này sâu đục thân hại lúa sẽ gây hại cho lúa Mùa đang trổ.
Giai đoạn gieo mạ hoặc làm đòng: Ở giai đoạn này khi bị sâu hại lúa tấn công mạ non dễ bị chết khô, dảnh lúa bị héo. Hoạt động gây hại chính của sâu là đục từ ngoài vào đến phần nõn giữa và hút lấy chất dinh dưỡng từ đó.
Giai đoạn mạ lúa đã lớn: Nếu bị sâu đục thân tấn công lại dễ bị đứt gốc khi nhổ mạ.
Giai đoạn đẻ nhánh: Trong giai đoạn này, sâu sẽ đục vào phần thân dưới và gây ảnh hưởng đến chức năng dẫn truyền các chất dinh dưỡng, nhựa khiến lá non bên trên không thể phát triển. Ban đầu lá non sẽ bị cuốn dọc lại, rồi chuyển từ màu xanh mạ sang xanh sẫm, sau cùng chuyển vàng và héo khô.
Sâu đục thân hại lúa khiến lá không thể hấp thu chất dinh dưỡng dẫn đến héo vàng.
Giai đoạn lúa đứng làm đòng: Sâu non sẽ tập trung tấn công phía trong bẹ và đục vào phần ống.
Giai đoạn trổ bông: Đây là giai đoạn hết sức quan trọng, nếu sâu hại lúa tấn công vào lúc này, bông lúa sẽ không thể trổ hoặc nếu trổ thì sẽ bị bạc bông.
Nếu sâu hại lúa tấn công vào giai đoạn trổ bông dễ dẫn đến tình trạng bạc bông. Tóm lại, cơ chế chung của sâu đục thân hại lúa là đục vào bên trong thân để “mượn” nơi ở và hút chất dinh dưỡng của cây. Từ đó, khiến lúa chậm phát triển, khô héo và chết dần.
Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, cày ải lật gốc rơm rạ hoặc ngâm nước để diệt nhộng; cấy gọn thời vụ, áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM; điều chỉnh mật độ gieo cấy phù hợp; bón phân tập trung, cân đối NPK, bón nặng đầu, nhẹ cuối, đặc biệt tránh bón thừa phân đạm.
- Theo dõi chặt chẽ thời gian bướm rộ để dự báo thời gian phòng trừ kịp thời; khi mật độ bướm cao hoặc khi mật độ ổ trứng 0,3-0,5 ổ/m2 , phun thuốc BVTV sau khi bướm rộ 5-7 ngày đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh, giai đoạn lúa trỗ phun trước và sau khi lúa trỗ 3-5 ngày; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đặc trị sâu đục thân nằm trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam theo nguyên tắc “4 đúng”, nếu ruộng lúa bị nặng cần phun nhắc lại lần hai sau lần một 3-5 ngày, nên luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun, phun vào lúc chiều mát tránh ảnh hưởng đến quá trình phơi màu của lúa.
Sâu đục thân hại lúa
1.3 Sâu phao hại lúa
Sâu phao chỉ hại trên ruộng lúa nước, không hại trên ruộng lúa cạn. Ruộng lúa bị hại nặng có màu hơi trắng vì đầu ngọn lá bị sâu hại.
Sâu non của sâu phao thường ăn vào ban đêm, nhưng vào những ngày mưa phùn, râm mát chúng có thể phá cả ngày. Sâu non gặm mô diệp lục của lá, ăn khuyết từng miếng nhỏ, chỉ để lại một lớp biểu bì mỏng. Đặc điểm của lá bị hại là trên lá có những gạch ngang màu xanh trông như là bậc thang. Sâu non thường hại ở ruộng mạ già và lúa mới cấy, chúng cắn là và cuộn thành từng đoạn trông giống như những chiếc phao, sâu non có thể thò ra ngoài túi phao để gặm biểu bì lá lúa. Lá bị cắt và cuốn thành phao giống như bị cắt bằng kéo. Thường thấy ở gần bờ do gió và nước cuốn đến.
Nhộng làm tổ ở những khe nứt nẻ ở vùng đất xung quanh gốc lúa. Bướm (ngài) hoạt động vào ban đêm, ưa mùi chua ngọt, thích ánh sáng nhưng là ánh sáng yếu, đẻ trứng ở mặt dưới của lá nổi trên mặt nước.
Biện pháp phòng trừ
Những cây lúa bị hại có thể hồi phục rất nhanh, tuy nhiên thời gian sinh trưởng kéo dài từ 7- 10 ngày. Biện pháp phòng trị như sau:
- Cho nước vào ngập ruộng dùng rổ vớt hết các phao sâu - Giữ nương mạ không bị ngập nước.
- Thoát nước nhiều ngày có thể diệt được sâu phao nhưng cỏ dại mọc nhiều.
Sâu phao hại lúa
2. Các loại côn trùng gây hại trên lúa
2.1 Rầy nâu hại lúa
Rầy trưởng thành và rầy non dùng miệng chích vào thân cây lúa để hút dịch cây. Bị hại nhẹ các lá dưới có thể bị héo. Bị hại năng chúng gây nên hiện tượng “cháy rầy”, cả ruộng bị khô héo, màu trắng tái hoặc trắng. Phần dưới thân cây lúa có màu đen nâu. Các vết thương cơ giới đó tạo điều điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập làm cho cây lúa thối nhũn, đổ rạp, gây nên hiện tượng bông lúa bị lép một nửa hoặc toàn bộ. Hiện tượng cháy rầy đầu tiên mang tính cục bộ một vài m2, nhưng nếu gặp điều kiện thuận lợi vết cháy rầy lan tỏa rất nhanh lên tới một vài hecta hoặc cả cánh đồng trong vòng 1-2 tuần. Ngoài ra, rầy nâu còn là môi giới truyền bệnh Lúa lùn xoắn lá làm cho cây lúa tuy vẫn giữ màu xanh nhưng bị thấp lùn, có những lá bị xoăn nhiều vòng, trổ bông muộn nhưng không thoát, ít hạt và hạt bị lép
Rầy trưởng thành màu nâu và có 2 dạng: dạng cánh dài phủ kín thân và dạng cánh ngắn phủ 2/3 thân.
Trứng hình quả chuối, một đầu to, một đầu nhỏ màu trong suốt.
Rầy non lúc nhỏ có màu đen xám, sau thành màu nâu vàng, thân hình tròn trĩnh. Rầy non có 5 tuổi, dài 1- 3mm.
Rầy trưởng thành thường tập trung thành đám ở trên thân cây lúa phía dưới khóm (gốc lúa) để hút nhựa. Khi bị khua động thì lẩn trốn bằng cách bò ngang hoặc nhảy sang cây khác, hoặc xuống nước hoặc bay xa đến chỗ khác.
Trung bình thời gian phát dục các giai đoạn của rầy nâu biến động như sau:
- Trứng 6- 8 ngày;
- Rầy non 12- 14 ngày, mỗi tuổi 2- 3 ngày;
- Rầy trưởng thành 20- 30 ngày.
Biện pháp phòng trừ
- Gieo sạ tập trung theo khuyến cáo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp địa phương.
- Vệ sinh đồng ruộng, cày, trục kỹ trước khi gieo sạ, dọn sạch cỏ bờ ruộng.
- Sử dụng giống lúa kháng rầy, lúa giống có chất lượng tốt (giống cấp xác nhận);
- Không gieo sạ quá dày trên 15 kg giống/công.
- Không bón quá thừa phân đạm (urê) nhất là giai đoạn sau; tăng lượng phân lân và phân kali để tăng sức chống chịu đối với rầy nâu và bệnh.
- Thường xuyên thăm đồng (lội xuống ruộng vạch gốc lúa để xem) để phát hiện sớm, theo dõi tình hình rầy nâu phát triển để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Kiểm tra thăm đồng thường xuyên
- Không phun thuốc trừ sâu ăn lá sớm trong giai đoạn 40 ngày đầu sau khi sạ để bảo vệ thiên địch khống chế rầy nâu giai đoạn sau.
- Khi phát hiện có rầy trên lúa với mật số từ 3 con/tép trở lên thì phun xịt thuốc trừ rầy.
- Khi phun xịt thuốc trừ rầy phải áp dụng theo nguyên tắc “4 đúng”, gồm:
+ Đúng loại thuốc: Chọn thuốc đặc trị rầy nâu không pha trộn nhiều loại thuốc để phun. Các loại thuốc trừ rầy: Applaud, Butyl, Nấm xanh có tác dụng diệt chậm; Bassa 50ND, Bassan 50ND; Chess 50WG; Chief 260EC, 520WP, Oshin 20WP, Dê chúa …
+ Đúng liều lượng: Pha thuốc theo đúng liều lượng và phun đủ lượng nước thuốc pha theo hướng dẫn ghi trên nhãn bao bì của mỗi loại thuốc. Không nên pha tăng liều lượng thuốc giảm đi lượng nước sẽ không đủ trãi lượng thuốc trên cây lúa, hiệu lực phòng trừ của thuốc bị giảm.
+ Đúng lúc: Khi phát hiện rầy nâu ở tuổi 1-3, hoặc rầy trưởng thành chiếm đa số trong ruộng;
+ Đúng cách: Hướng vòi phun vào sát gốc lúa nơi rầy bu; không được phun trên ngọn lá lúa. Trước khi phun thuốc nếu có điều kiện nên cho nước ngập ruộng để rầy di chuyển lên cao, xịt dễ trúng rầy hơn.
Rầy nâu hại lúa
2.2 Muỗi hành hại lúa
Sâu non muỗi hành (hay còn gọi là sâu năn) di chuyển lên phần giữa của bẹ và thân, rồi xâm nhập vào đỉnh sinh trưởng, tại đây sâu cắn phá, gây hại và thải ra chất độc có trong nước miếng làm gốc bẹ lúa phồng to, bên trong rỗng, sau đó đọt lúa phát triển bất thường thành ống như lá hành có màu trắng nhạt, rộng khoảng 1cm, dài 10 – 30cm, đầu ống hành được bịt kín do mô lá tạo thành.
Ống hành xuất hiện khoảng một tuần sau khi muỗi xâm nhập. Tép lúa bị hại không cho bông (gié) nhưng lúa có thể mọc chồi mới để bù lại. Triệu chứng lúa do muỗi hành gây hại giống như lúa bị hạn, bệnh do virus (bệnh vàng lùn, bệnh Tungro), sâu đục thân, ngộ độc thuốc trừ cỏ 2,4D. Muỗi hành chỉ gây hại từ giai đoạn mạ đến cuối đẻ nhánh, trước khi có đòng.
Trứng: Thon dài, mới đẻ có màu trắng, trước khi nở có màu vàng. Trứng được đẻ rải rác ở lá thìa, phiến hay bẹ lá, trứng được đẻ từng quả một hay đẻ thành từng nhóm 3 – 4 quả.
Sâu non: Giống như dòi, mình dẹt, màu trắng sữa, dài 4 – 5mm. Giai đoạn ấu trùng có 3 – 4 tuổi. Mỗi chồi chỉ có một sâu non và khi ống hành vươn dài ra thì cùng lúc sâu non hóa nhộng.
Nhộng: Có màu hồng nhạt, trước khi vũ hóa có màu đỏ, dài 2 - 4mm, giai đoạn nhộng dài 3 – 5 ngày, cả sâu non và nhộng sống đều gây hại trong ống hành. Nhộng có thể di chuyển lên xuống trong ống hành. Khi sắp vũ hóa, nhộng di chuyển lên ngọn ống hành, dùng gai bụng đục lỗ, chui nửa mình ra, lột vỏ nhộng để lại trên đầu ống hành để thành trùng (muỗi) bay thoát ra ngoài.
Trưởng thành: Giống như muỗi nhà, sải cánh dài 3 – 5mm, muỗi cái bụng màu đỏ nhạt, muỗi đực nhỏ hơn muỗi cái, màu nâu vàng, râu 10 đốt. Muỗi hoạt động (giao phối, đẻ trứng) mạnh về đêm, sức bay yếu nên tầm gây hại hạn chế trong khu vực giới hạn, bị dẫn dụ bởi ánh sáng. Con cái đẻ 100 – 200 trứng. Vòng đời muỗi hành (sâu năn) từ 25 - 35 ngày.
Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ dại, cỏ bờ.
- Bẫy đèn: Theo dõi muỗi hành để phòng trừ đúng lúc (phun thuốc ngay khi muỗi ra rộ).
- Không sạ, cấy dày. Bón đầy đủ, cân đối NPK, không bón thừa đạm giai đoạn đẻ nhánh.
- Bảo vệ thiên địch (ong ký sinh), không phun thuốc trừ sâu sớm.
- Thăm đồng thường xuyên, nếu có muỗi hành, có thể tháo nước phơi ruộng để hạn chế lây lan.
- Thuốc BVTV: Trường hợp ruộng thường xuyên bị muỗi hành gây hại, điều kiện thời tiết, canh tác thuận lợi cho muỗi phát sinh, gây hại, cần thường xuyên thăm đồng, có thể dùng bẫy đèn theo dõi, nếu muỗi nhiều, có thể phun ngay các loại thuốc trừ muỗi như: Sapen alpha 5EC, SECSAIGON 25 EC.
Muỗi hành hại lúa
2.3 Bọ trĩ hại lúa
Bọ trĩ hay còn gọi là bù lạch xuất hiện nhiều khi ruộng khô, gây hại làm cho đầu lá lúa quấn lại và biến màu vàng. Khi trời mưa bọ trĩ giảm số lượng rõ rệt, nhất là giai đoạn bọ trĩ lớn. Thời gian xuất hiện bọ trĩ từ khi cây lúa mới mọc đến đẻ nhánh mật độ bọ trĩ tăng cao sau đó giảm vì lá lúa cứng không thích hợp cho bọ trĩ gây hại.
Bọ trĩ gây hại làm chóp lá bị tóp lại.
Bọ trĩ gây hại làm lá bị cuốn lại ở chóp, lá héo, tóp lại và khô vàng đi. Đặc biệt nặng ở các ruộng khô nước.
Đặc điểm nhận dạng bọ trĩ: Bọ trĩ non rất nhỏ, dài độ 1mm màu vàng nhạt, hình dáng giống con trưởng thành nhưng chưa có cánh. Con trưởng thành có màu đen thon dài 1,5-2mm .
Cách nhận biết: có nhiều triệu chứng lúa bị vàng đọt giống bọ trĩ gây hại, nên cần nhận biết bọ trĩ để xác định vì chúng rất nhỏ. Nhận biết bằng cách đặt lòng bàn tay xuống nước cho ướt rồi dùng lòng bàn tay quét trên ngọn các cây lúa, nếu thấy nhiều con bọ trĩ bám trên tay thì đó là những nơi có mật độ bọ trĩ cao cần phải phun thuốc trừ ngay.
Bọ trĩ hại lúa
2.4 Bọ xít hại lúa
Bọ xít đen mới nở hình hơi tròn, mắt kép màu đỏ, thân màu đỏ nâu, không cánh, đẫy sức màu tro nâu.
Con trưởng thành màu nâu đen, con cái có thân dài hơn con đực. Thân có hình bầu dục, lưng và bụng nhô ra như nhau. Phiến mai dài tới cuối bụng nhưng bề ngang không che hết bụng. Phiến giữa và phiến cạnh của đầu dài bằng nhau. Góc trước mảnh lưng ngực mọc ngang ra một gai không dài, không nhọn. Góc cạnh mảnh lưng ngực trước có một mấu lồi ngắn, không nhọn. Mắt đơn màu đỏ nhạt. Bàn chân và râu màu nâu tro.
Vòng đời của bọ xít đen khoảng 40-60 ngày
+ Giai đoạn trứng: 3-8 ngày (mùa đông 14-21 ngày).
+ Giai đoạn bọ xít non: 35-53 ngày.
+ Giai đoạn trưởng thành: sống hơn 10 tháng.
Bọ xít trưởng thành hoạt động giao phối phần lớn vào 6-7 giờ chiều, mỗi con cái giao phối 4-5 lần, sau giao phối khoảng 1 tuần thì đẻ trứng. Một con cái có thể đẻ 10-600 trứng (trung bình trên dưới 190 trứng). Bọ xít trưởng thành đẻ trứng trên bẹ lá cách mặt đất 10 xm trở xuống, có khi đẻ ở chóp lá lúa hoặc trên cỏ dại. Trứng đẻ thành 2 hàng. Bọ xít non mới nở sống tập trung quanh vỏ trứng, đến tuổi 2 thì phân tán, nấp dưới khóm lúa để hút nhựa cây. Từ sau tuổi 3 trở đi thì hoạt động giống trưởng thành.
Điều kiện phát sinh của bọ xít đen là vào mùa xuân, mùa hè và mùa hu. Bọ xít đen thích ứng với nhiều giống lúa và có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất thuận. Ruộng cấy sớm, lốp, nhiều cỏ dại bọ xít đen thường phát sinh gây hại nặng. Ruộng lúa nước bị hại nặng hơn lúa cạn. Lúa giai đoạn trỗ bông bị hại nặng, đặc biệt là khi ruông không bổ sung thêm nước trong quá trình chín.
Cả bọ xít non và bọ xít trưởng thành đều chích hút nhựa lá, thân, đòng lúa. Cây lúa bị hại nặng toàn thân khô héo và chết từng khóm. Cây lúa ở thời kỳ trỗ bị bọ xít phá hại thì bông bị lép hoặc bạc trắng.
Biện pháp phòng trừ :
- Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ ở bờ ruộng.
- Cấy, sạ lúa với mật độ vừa phải, không quá dày; giữ nước không để ruộng khô, có thể cho ngập cây lúa 1 - 2 ngày.
- Bón phân bón cân đối, hợp lý.
- Dùng một số loại thuốc sau để phòng trừ, gồm:
- Neretox 95WP: Liều lượng: 500 - 700g/ha. Pha 20g thuốc với 16 - 20 lít nước.
- Patox 95SP: Liều lượng: 600 - 700g/ha. Pha 20g thuốc với 16 - 20 lít nước.
- Subatox 75EC: Liều lượng: 1 - 1,2 lít/ha. Pha 25 - 40ml thuốc với 16 - 20 lít nước.
- Trebon 10EC: Liều lượng: 700ml/ha. Pha 20 - 24ml thuốc với 16 - 20 lít nước.
- Phun ướt đều lá lúa khi bọ xít xuất hiện.
Bọ xít hại lúa
3. Những bệnh trên cây lúa thường gặp nhất
3.1 Bệnh đạo ôn
Bệnh đạo ôn lá do nấm Pyricularia Oryzae gây ra, gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa, nhưng thường biểu hiện rõ nhất ở thời kỳ lúa đẻ nhánh gây bệnh đạo ôn lá và thời kỳ lúa trổ đến chắc xanh gây bệnh đạo ôn cổ bông.
Triệu chứng: Trên lá lúa lúc đầu vết bệnh chỉ bằng mũi kim châm xung quanh có quầng màu vàng ở giữa vết bệnh màu xám nhạt sau chuyển sang màu nâu đen rồi lan rộng thành hình thoi ở giữa có màu xám tro. Nếu bệnh nặng, các vết bệnh sẽ nối tiếp nhau tạo mảng lớn gây cháy cả lá và chết cây.
Trên thân, cổ bông và cổ gié: Vết bệnh có thể xuất hiện trên thân, cổ bông, cổ gié lúa; lúc đầu chỉ là một vết nhỏ màu xám sau chuyển thành màu nâu ăn lan quanh thân, cổ bông và cổ gié lúa, khi bị nấm xâm nhiễm mạch dẫn dinh dưỡng sẽ bị cắt đứt, khiến cả bông lúa bị lép lửng.
Trên hạt: Vết bệnh là những đốm tròn màu nâu trên vỏ trấu nếu xuất hiện sớm, gặp điều kiện thuận lợi bệnh sẽ nhiễm vào hạt, làm cho hạt lúa bị đen lép.
Điều kiện thời tiết: Trong điều kiện thời tiết âm u, có sương mù, mưa phùn, ẩm ướt kéo dài nhiều ngày, nhiệt độ 22-260C, ẩm độ không khí trên 90%, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cao, trên những chân ruộng bón thừa đạm, thiếu kali, thường xuyên khô hạn là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh đạo ôn phát sinh phát triển.
Biện pháp phòng trừ
- Đối với những vùng thường xảy ra dịch bệnh đạo ôn cần phải quan tâm tiêu huỷ những tàn dư thực vật sau khi thu hoạch lúa: cày lật gốc rạ, bón vôi, xử đất triệt để, dọn sạch bờ mương, sơn bờ trước khi xuống vụ.
- Xử lý hạt giống bằng 3 sôi 2 lạnh ( 540C ) trong 10 phút hoặc xử lý bằng các loại thuốc hoá học như Sulfat đồng (CuSO4), Carbenzim v.v...
- Cần phải bón phân cân đối, nên dùng phân hỗn hợp N-P-K; tăng cường bón thêm phân chuồng, lân, kali; hạn chế bón quá nhiều đạm; không nên bón quá nhiều phân trong một lúc (nên bón nhiều lần).
- Xử dụng các giống lúa kháng bệnh, các giống lúa mới lai tạo...
- Tăng cường chăm sóc để cây lúa khoẻ, tưới nước đầy đủ...
- Khi lúa đã bị bệnh cần ngừng ngay việc bón phân đạm, phân kali; Phun thuốc kịp thời bằng các loại thuốc hoá học như Fujione, Baem... Cần lưu ý là phải phun đúng nồng độ ghi trên nhãn thuốc, phun đủ liều lượng mỗi sào 500m2 phun 16-20 lít nước pha thuốc; phun lần 2 cách nhau 5-10 ngày tùy theo tình hình .
- Đối với những ruộng đã bị bệnh đạo ôn trên lá cần phải phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước và sau khi trổ, nên phun vào lúc chiều tối để khỏi ảnh hưởng đến việc trổ bông phơi mào.
Bệnh đạo ôn
3.2 Bệnh vàng lùn trên lúa
Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá thường xuất hiện theo chu kỳ, nguyên nhân xuất hiện bệnh được xác định là do sự xuất hiện của virus lùn xoắn lá (lây lan do rầy nâu), lúa cỏ và tungro (lây lan do rầy xanh đuôi đen).
Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đều có tác nhân truyền bệnh giống nhau là rầy nâu. Bệnh không lây lan qua giống, đất, nước hay vết thương cơ giới. Rầy nâu chính là môi giới lan truyền, phát sinh, phát triển của bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa.
Thông thường thời gian ủ bệnh trên cơ thể rầy non là từ 7-10 ngày có những cá thể sâu ủ bệnh 20 ngày mới bắt đầu truyền bệnh. Đối với những cây lúa khỏe mạnh khi bị rầy chích hút khoảng 1 giờ là có thể bị nhiễm bệnh. Đặc biệt virus không lây bệnh qua trứng rầy.
Khi mới gieo sạ rầy nâu trưởng thành sẽ di trú ngay tới ruộng lúa tới khi cây lúa phát triển 1 - 2 lá và truyền virus cho cây bằng cách bám vào cây và chích hút. Khoảng 10 - 20 ngày sau khi bị nhiễm virus thì cây lúa sẽ bắt đầu có những triệu chứng bệnh. Cứ như vậy bệnh lây lan và phát triển trên diện rộng thậm chí truyền từ vụ lúa này sang vụ lúa khác.
Những ruộng lúa bị nhiễm bệnh nhẹ thì chỉ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng, tuy nhiên đối với những ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng thì sẽ bị vàng, cây thấp lùn, thậm chí lụi dần và chết
Biện pháp phòng trừ
Để phòng từ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hiệu quả bà con cần phải sử dụng kết hợp nhiều biện pháp từ đầu vụ đến cuối vụ, đặc biệt là quản lý tốt tình hình phát triển của rầy nâu.
- Sử dụng các giống lúa kháng rầy: Do bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có quan hệ mật thiết với sự phát triển của rầy nâu, chính vì thế việc sử dụng các giống lúa kháng rầy sẽ giúp hạn chế vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa. Tuy nhiên bà con cũng cần lưu ý, để tránh khả năng thích ứng của rầy và đáp ứng nhu cầu của thị trường, bà con không nên độc canh một giống lúa mà tùy vào điều kiện tự nhiên, khí hậu của mỗi vùng có thể canh tác thêm các giống lúa khác.
- Thay đổi chế độ canh tác:
- Bà con không nên gieo sạ liên tục, mỗi năm tối đa chỉ nên làm 3 vụ lúa, thời gian giữa các vụ ít nhất từ 25-30 ngày (chu kỳ của một lứa rầy).
- Các vụ lúa cần diễn ra tập trung, gieo sạ đồng loạt để tránh thời điểm rầy phát triển.
- Không nên gieo sạ quá dày, sạ ướt khoảng 100-120kg giống/ha; sạ hàng khoảng 75-80kg/ha.
- Vệ sinh đồng ruộng:
- Sau khi thu hoạch xong cần xử lý ruộng, cày lật, làm cỏ, phát dọn cỏ dại bên bờ để ruộng lúa thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của rầy nầu.
- Nhổ bỏ, xử lý những cây lúa bị bệnh, hạn chế bệnh lây lan trên diện rộng.
- Ngoài ra bà con cũng phải thường xuyên thăm ruộng để phát hiện sớm dịch bệnh để có phương pháp xử lý kịp thời. Các ruộng lúa bị bệnh cần được xử lý kỹ trước khi gieo sạ mới; theo dòi, dự báo tình hình phát triển của rầy nâu, bệnh.
Bệnh vàng lùn trên lúa
3.3 Bệnh lúa von
Triệu chứng chung nhất của cây bị bệnh lúa von là cây phát triển cao vọt, cong keo mảnh khảnh. Lá lúa từ màu xanh lục chuyển dần sang màu xanh nhạt rồi vàng gạch cua, cứng giòn và chết nhanh chóng.
- Lóng thân cây bệnh phát triển dài ra, thường mọc nhiều rễ phụ ở đốt (rễ gió) và có thể thấy lớp phấn trắng phớt hồng bao quanh đốt thân và vị trí xung quanh đốt thân.
- Nếu bị nhiễm muộn, lá bị khô, giảm số chồi. Nếu nhiễm vào giai đoạn trước khi đâm chồi, cây mạ bị chết khô. Trường hợp sống sót, trỗ bông với toàn hạt lép hoặc lửng. Chính những hạt lép lửng này, mang mầm bệnh. Vỏ hạt màu xám, nếu thời tiết ẩm ướt, trên vỏ hạt có thể xuất hiện lớp phấn trắng phớt hồng. Nếu thời tiết khô, trên đốt thân và vỏ hạt có nhiều chấm nhỏ li ti màu xanh đen.
- Phần lớn cây bị bệnh sẽ chết do thối gốc. Nếu cây lúa bị bệnh sống đến giai đoạn làm đòng, trổ bông thì lóng cây vươn dài, rễ bất định mọc ở các đốt phía dưới gần gốc lúa; có thể quan sát thấy lớp nấm màu phấn trắng hoặc phớt hồng bao quanh trên vỏ hạt nếu thời tiết ẩm ướt, nếu khô trên đốt thân và vỏ hạt có nhiều chấm nhỏ li ti màu xanh đen, đó chính là quả thể nấm. Cây bị bệnh sống được, có thể trổ bông nhưng hạt bị lép hoặc lửng. Các bộ phận ở phía dưới mặt đất của cây (rễ, gốc thân) dễ bị nhiễm bệnh hơn các bộ phận ở phía trên mặt đất (bẹ lá, đốt thân...). Bệnh lúa von cũng có loại giống kháng hoặc giống nhiễm.
Biện pháp phòng trừ
- Xử lý hạt trước khi gieo sạ với các loại thuốc trừ nấm.
- Không sử dụng hạt giống ở những ruộng bị bệnh để làm giống cho vụ sau
Bệnh lúa von
Xem thêm:
Biện Pháp Phòng Trừ Bệnh Khô Vằn Trên Lúa Hiệu Quả Nhất
Nguyên Nhân Gây Bệnh Vàng Lụi Ở Lúa Và Cách Phòng Trừ
3.4 Bệnh khô vằn trên lúa
Là bệnh gây hại toàn thân, đặc biệt ở những nơi như bẹ lá, phiến lá và cổ bông. Những bẹ lá gần mặt nước hoặc những bẹ lá già ở dưới gốc thường là nơi bị bệnh chính. Trên bẹ lá xuất hiện những đốm hình bầu dục màu xanh lục sẫm hoặc xám nhạt, sau đó lan rộng thành hình đám mây với những vết vằn như da hổ. Trong trường hợp nhiễm bệnh nặng, cả bẹ và lá phía trên đều bị chết. Vết bệnh trên lá giống như bẹ lá và thường lan nhanh, chiếm toàn bộ chiều rộng của lá, tạo thành các mảng màu đục hoặc da hổ. Những lá già hoặc những lá gần mặt nước xuất hiện đầu tiên, sau đó lan dần lên những lá phía trên. Vết bệnh ở cổ bông thường là một vết kéo dài quanh cổ bông, ở hai đầu vết bệnh có màu xám, phần giữa vết bệnh co rút lại, màu xanh lục sẫm.
Trên vết bệnh xuất hiện hạch nấm màu nâu, hình tròn dẹt hoặc hình bầu dục, nằm rải rác hoặc thành đám trên vết bệnh. Các hạch nấm có thể dễ dàng rơi ra khỏi các vết bệnh rơi xuống nước lây lan qua bụi lúa bên cạnh hoặc nằm dưới đất, trong rơm rạ, tàn dư thực vật là nguồn lây lan bệnh chủ yếu cho vụ sau.
Bệnh khô vằn phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao và độ ẩm cao. Nhiệt độ khoảng 24- 320C và ẩm độ bão hoà hoặc lượng mưa cao thì bệnh phát sinh phát triển mạnh, tốc độ lây lan nhanh. Bệnh thường phát sinh trước tiên ở các bẹ và lá già sát mặt nước hoặc ở dưới gốc. Tốc độ lây lan lên các lá phía trên phụ thuộc rất nhiều khi thời tiết có mưa nhiều, lượng nước trên đồng ruộng quá cao, đặc biệt ở các ruộng nhiều nước, gieo cấy quá dày, các ruộng bón thừa phân đạm. Sự phát triển của bệnh khô vằn ở thời kỳ đầu từ cây mạ đến đẻ nhánh có mức độ bệnh ít. Giai đoạn đòng trỗ đến chín sáp là thời kỳ nhiễm bệnh nặng nhất. Sự phát sinh phát triển của bệnh có liên quan nhiều tới chế độ nước trên đồng ruộng và chế độ phân bón. Bón phân đạm nhiều, bón thúc đòng muộn bệnh sẽ phát sinh phát triển mạnh hơn. Bón nhiều lần cũng làm cho mức độ bị bệnh cao hơn. Bón Kali có tác dụng là giảm mức độ nhiễm bệnh của cây.
Nguồn bệnh chủ yếu là hạch nấm tồn tại ở trên đất ruộng và sợi nấm ở gốc rạ và lá bị bệnh còn sót lại sau thu hoạch. Hạch nấm có thể sống một thời gian dài sau thu hoạch lúa thậm chí trong điều kiện ngập nước ngắn hạn vẫn có tới 30% số hạch duy trì được sức sống, nảy mầm thành sợi và xâm nhiễm gây bệnh cho vụ sau. Quá trình xâm nhiễm lặp lại thường xảy ra qua tiếp xúc giữa hạch và bẹ lá lúa.
Biện pháp phòng trừ
- Áp dụng biện pháp quản lí dịch hại tổng hợp IPM, quản lí sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM:
- Làm sạch cỏ dại.
- Bón phân cân đối, hợp lý, không bón lai rai, bón đúng thời điểm. Không bón đạm, thuốc kích thích sinh trưởng và phân bón qua lá trên các ruộng lúa bị bệnh.
- Xử lý tốt tàn dư thực vật sau thu hoạch nhằm hạn chế thấp nhất nấm bệnh lưu truyền sang vụ sau.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời bệnh khô vằn gây hại. Dùng các loại thuốc trừ bệnh thích hợp,…để phun trừ khi tỷ lệ bệnh từ 10% số dảnh trở lên. Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh lúc lúa phơi màu; phun theo nguyên tắc “4 đúng”, nồng độ và liều lượng phun theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì của từng loại thuốc. Trên những diện tích bệnh khô vằn gây hại nặng cần phun kép 02 lần (lần 1 cách lần 2 khoảng 3 đến 4 ngày).
Bệnh khô vằn trên lúa
3.5 Bệnh cháy lá ở lúa
Bệnh cháy bìa lá gây hại từ khi cây lúa đẻ nhánh đến chín sữa là thường xuyên xuất hiện nhất.
Nguyên nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Xanthomonas 0ryzae pv. Oryzae gây hại. Khi độ ẩm không khí cao, thời tiết âm u, mưa nhiều và vào mùa mưa bão bệnh rất nặng. Bệnh phát triển mạnh và lan truyền nhanh ở nhiệt độ 260C - 300C, độ ẩm không khí cao từ 90% trở lên. Vi khuẩn gây bệnh cháy bìa lá có thể sống trong nước 15 - 38 ngày, có thể tồn tại trong hạt giống 7 - 8 tháng và trong rơm rạ 3 - 4 tháng.
Biểu hiện: Vết bệnh phát triển ở hai bìa lá, ban đầu bệnh xuất hiện từ chóp lá, sau đó lan dần xuống dưới ở hai bên bìa lá. Đầu tiên vết bệnh là những vệt nhỏ trong suốt nằm giữa các gân lá, sau đó vết bệnh lớn dần và chuyển sang màu vàng nâu. Chỗ bệnh thường trở nên trắng mờ, trong vết bệnh là dịch vi khuẩn thường nhỏ giọt ra ngoài vào sáng sớm, chiều tối và ban đêm, sau đó làm cho lá khô, mất khả năng quang hợp. Bệnh gây hại nặng, vết bệnh thường có đường gợn sóng ở hai bìa lá.
Bệnh có thể phát sinh trên cây lúa ở tuổi mạ, nhưng chủ yếu gây hại cây lúa ở tuổi thuần thục, hại nặng vào thời kỳ cây lúa đứng cái, làm đòng và trổ bông. Bệnh xâm nhập vào cây qua khí khổng, qua vết thương trên lá do mưa, bão và qua vết thương trên bẹ lá và rễ lúa do vết chích của rầy nâu hoặc tuyến trùng. Vi khuẩn có thể xâm nhập qua đường rễ làm nghẽn mạch dẫn nhựa, nhưng thường khu trú tập trung và tấn công trên lá.
Biện pháp phòng trừ
- Chọn giống kháng bệnh, sạch bệnh. Xử lý hạt giống trước khi trồng.
- Bón phân cân đối ngay từ đầu vụ, tăng cường bón phân hữu cơ, không bón quá nhiều phân đạm và không bón thúc muộn. Bón đủ lân, kali.
- Tránh làm gãy hoặc dập lá trong mùa mưa bão
- Khi bệnh phát triển ngưng bón đạm, tăng cường phân kali, thay nước ruộng và phun thuốc đặc trị vi khuẩn.
Bệnh cháy lá ở lúa
4. Sử dụng máy bay nông nghiệp phòng trừ sâu bệnh hại lúa hiệu quả
Trước việc các dịch bệnh do sâu bệnh, nấm, vi khuẩn gây ra ảnh hưởng tới việc trồng lúa của bà con, việc nắm rõ tập tính và cách phòng trừ sâu bệnh hại lúa, từ đó bà con đưa ra kế hoạch phun thuốc trừ sâu bệnh để đảm bảo cây lúa được khỏe mạnh.
Sử dụng máy bay nông nghiệp phòng trừ sâu bệnh hại lúa hiệu quả
Với sự trợ giúp của máy bay nông nghiệp phun thuốc trừ sâu bệnh hại lúa, bà con có thể hoàn toàn yên tâm trong việc phun thuốc bảo vệ cây lúa, với những đặc điểm vượt trội về năng suất, thời gian thực hiện nhanh chóng gấp nhiều lần so với thực hiện phun thủ công như trước đây. Đảm bảo cho việc phun tưới được đúng tiến độ, ngăn chặn kịp thời sự phát triển của sâu bệnh đối với mùa vụ.
Một số loại máy bay nông nghiệp phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa bà con có thể tham khảo như: XAG P100 Pro, XAG P100, XAG V40, XAG P40.
Bà con có nhu cầu tìm hiểu về các sản phẩm máy bay nông nghiệp phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa, hãy liên hệ ngay DigiDrone để được tư vấn và hưởng các mức giá ưu đãi.
Liên hệ ngay theo thông tin dưới đây:
Thông tin liên hệ:
- CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ DIGIDRONE VIỆT NAM
- Địa chỉ: Võ Văn Kiệt, Khóm 3, TT. Tràm Chim, Tam nông, Đồng Tháp
- Điện thoại: 0968 66 88 99
- Fanpage: https://www.facebook.com/digidronevietnam
- Email:contact@digidrone.vn