Giống lúa Đài thơm 8 thế hệ mới được phục tráng mang nhiều ưu điểm vượt trội như hạn chế bệnh đạo ôn, lem lép hạt, đơ bông, cho năng suất và chất lượng cao, phù hợp cho xuất khẩu.
Nguồn gốc của giống lúa Đài thơm 8
Giống lúa Đài thơm 8 là giống lúa thuần chất lượng, năng suất cao do Vinaseed Group nghiên cứu chọn tạo. Năm 2017, giống lúa Đài Thơm 8 của Tổng công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC), thành viên của Vinaseed được Bộ NN-PTNT công nhận, đưa vào sản xuất đại trà ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đây cũng là giống lúa độc quyền và được Cục Trồng trọt cấp chứng nhận bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ của SSC. Riêng trong năm 2020, gạo Đài Thơm 8 chiếm 26% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Ưu điểm của giống lúa Đài thơm 8 thế hệ mới
Đến thời điểm này, giống lúa Đài Thơm 8 là giống lúa được nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long đánh giá rất cao bởi ưu điểm là cứng cây, ít đổ ngã, đẻ nhánh khỏe, bông to nhiều hạt, tỷ lệ lép thấp, chịu bệnh đạo ôn, rầy nâu. Giống lúa Đài thơm 8 có khả năng chống chịu được hầu hết các loại bệnh, đặc biệt là kháng đạo ôn tốt. Nhờ đó mà chi phí sản xuất khi đầu tư vào giống này sẽ giảm đi.
Bên cạnh đó, Đài thơm 8 cũng là một trong những giống lúa mới cho năng suất cao, khoảng 7 tấn/ha. Không những thế, giống lúa này còn cho chất lượng gạo rất tốt nên được thị trường ưa chuộng, giá trị thương phẩm cao. Đài thơm 8 cho ra hạt gạo thon dài, tỷ lệ hạt bạc bụng thấp, nấu lên cơm trắng, bóng, dẻo, thơm ngon… Đây cũng là một trong những lý do giống lúa này được nhiều nông dân lựa chọn đưa vào sản xuất.
Theo khảo nghiệm của Vinarice, giống lúa Đài Thơm 8 có khả năng chịu được độ mặn vượt ngưỡng 3‰, gần 4‰. Chính vì vậy, giống lúa này có độ rủi ro thấp so với những giống lúa cùng loại khác trong điều kiện thiên tai thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn xảy ra. Tại những vùng có rủi ro thiên tai thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, việc sử dụng giống lúa chịu mặn luôn được bà con nông dân ưu tiên số một.
Hướng dẫn kỹ thuật bón phân cho giống lúa Đài thơm mới
Khi bón phân cho lúa Đài thơm 8 mới, bà con cần lưu ý một số vấn đề kỹ thuật sau đây:
Đối với lúa gieo sạ:
Tùy theo từng chân đất và mùa vụ, bà con có thể bón cho 1 ha với khối lượng 150 kg Urea + 100 kg DAP +100 kg KCl chia ra từng đợt như sau:
- Bón lót (bón ngay trước khi sạ lúa, có kéo ván để lấp phân): 50 kg DAP.
- Bón thúc 1 (bón vào thời điểm 7 – 8 ngày sau sạ): 50 kg DAP + 30 kg Urea.
- Bón thúc 2 (bón vào thời điểm 18 – 20 ngày sau sạ): 60kg Urea + 40 kg KCl.
- Bón đón đòng (bón vào thời điểm 35 – 38 ngày sau sạ): 30 kg Urea + 30 kg KCl/ha.
- Bón nuôi hạt (bón sau khi lúa trổ đều 5 – 7 ngày cần bón nuôi hạt để lúa tăng tỉ lệ hạt chắc, lượng phân như sau): 30 kg Urea + 30 kg KCl/ha.
Đối với lúa cấy:
Các chuyên gia khuyến cáo bà con nên sử dụng phân bón NPK. Lượng phân bón sử dụng tùy theo loại đất. Tham khảo lượng bón trên chân đất trung bình như sau:
+ Đối với phân tổng hợp NPK Lâm Thao:
- Bón lót (trước khi bừa cấy): Bón 7-8 tấn phân hữu cơ (hoặc 1200 – 1500 kg phân vi sinh) + 560 – 700 kg/ha phân NPK (5:10:3).
- Bón thúc (khi lúa bén rễ hồi xanh): Bón 220-250 kg/ha phân NPK (12:5:10) + 30 kg phân đạm urê, kết hợp làm cỏ sục bùn.
- Bón thúc (khi lúa đứng cái): Bón 200 kg/ha phân NPK (12:5:10).
+ Đối với phân đơn:
- Khối lượng phân bón sử dụng cho 1 ha: Vụ Xuân 7 – 8 tấn phân hữu cơ (hoặc 1200 – 1500 kg phân vi sinh) + 200 – 220 kg đạm Urê + 450 – 500 kg Super lân + 140 – 160 kg Kaliclorua. Vụ Mùa, Hè Thu giảm 10% lượng đạm, tăng 15% kali so với vụ Xuân
- Các đợt bón phân: Bón lót (trước khi bừa cấy) toàn bộ phân hữu cơ (hoặc phân vi sinh), phân lân + 40% phân đạm + 20% phân kali; bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh): 50% phân đạm + 30% phân Kali; bón thúc lần 2 (khi lúa đứng cái) bón lượng phân còn lại.
Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa Đài thơm 8 thế hệ mới
Trong quá trình canh tác giống lúa Đài Thơm 8, mùa mưa bà con cần sạ thưa lại dưới 150kg/ha. Ngoài ra khi bón phân, bà con cần chú ý giảm lượng đạm, tăng kali ở lần bón thúc thứ hai, lúc đòng trỗ cần bón đầy đủ dinh dưỡng đạm và kali.
Đối với lúa gieo sạ, bà con chú ý theo dõi phòng trừ ốc bươu vàng. Phun thuốc trừ cỏ dại, cấy dặm để đảm bảo mật độ. Cần giữ đất ẩm trong vòng 3 – 5 ngày sau khi sạ, sau đó cho nước vào đều khắp ruộng với mực nước 3 – 5cm khi lúa giáp tán, sau đó bà con áp dụng chế độ tưới ngập khô xen kẽ đến lúa bắt đầu trổ, khi lúa vàng đuôi tháo cạn nước.
Đối với lúa cấy, bà con cần giữ đủ nước trong ruộng, tiến hành tỉa dặm kịp thời, bón thúc sớm cho lúa đẻ sớm, đẻ tập trung, cho nhiều bông hữu hiệu, hạn chế sâu bệnh.
Bà con kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, phát hiện sớm các loại sâu bệnh và thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan Bảo vệ thực vật địa phương.
Là một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp giải pháp nông nghiệp công nghệ cao, DigiDrone Việt Nam cung cấp giải pháp máy bay xịt thuốc 3 trong 1 với các chức năng: gieo sạ lúa, rải phân bón, phun thuốc trừ sâu. Ưu điểm: tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí nhân công, giảm lượng thuốc sử dụng, tránh được tác hại của thuốc BVTV đối với sức khỏe con người, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để được tư vấn giải pháp máy bay phun thuốc, rải phân, gieo sạ, bà con vui lòng liên hệ DigiDrone Việt Nam theo thông tin sau:
Điện thoại: 0968 66 88 99
Email:contact@digidrone.vn